Wednesday, May 1, 2013

Nỗi đau tháng 4

Anh tôi, mẹ mất sớm 1959. Ông bà nội còn chết sớm hơn mẹ. Nhưng không chết vì tuổi già, ông bà nội anh tôi chết do một loại dịch bệnh lây lan tàn ác, dã man nhất trong lịch sử giết người ở Việt Nam ngày ấy: Đấu tố! Cha anh dắt vợ và con, thoát chạy được vào Nam. Hồn phi, phách lạc. Chưa yên, ông còn đưa tất cả gia đình mình vào rừng trong nỗi sợ hãi, ám ảnh đeo đẳng từng ngày. Ông sợ đến nỗi, chỉ mẹ anh là dám đi rừng đốn củi để nuôi sống cả nhà, còn ông như một người thoát chết, suốt đời vẫn còn sợ âm thanh của kèn trống. Rồi 4 năm sau đó, tất nhiên, mẹ anh đã kiệt lực mà qua đời.
Cha anh tiếp tục bỏ trốn qua Lào bởi ám ảnh khủng khiếp cái chết của ông nội anh. Chết dao chém ngang cổ bởi những người hàng xóm Việt Minh. Một phát đạn không lạnh và kéo dài lê thê sự đớn đau như một nhát dao. Tiếng nổ,chỉ gây ra sự giật mình, rồi chết. Nhát dao, đớn đau còn tùy thuộc vào độ nông, cạn, máu ứa.
Rồi 4 chị em anh ở lại trong rừng. Chị lớn tìm đường về Biên Hòa, ở đợ cho một ông Đại úy Quân Bưu, nuôi anh và 2 anh trai nữa. Anh cũng được đi học từ cô nhi viện. Không hết lớp 10, anh vào biệt kích Mỹ, chiến đoàn 3 xung kích. Cùng năm, anh trai anh tử trận Thanh An, vinh thăng trung úy, để lại cho anh, anh trai nữa và chị gái một gói huy chương. Tất cả được anh cất giấu kín ở căn chòi nhỏ trong rừng Xã Chi lăng... Có lần tôi hỏi anh: Sao anh đi lính sớm? Anh nói: Người ta chết nhiều, anh đi, lính sắp hết rồi! Thì ra anh sợ không còn lính ngăn giặc. Anh kể nhảy toán cho tôi nghe. Tôi cười. Có hiểu gì đâu. Gần 1 năm, anh đi nhảy từ Đông Hà, Hạ Lào dọc đường mòn họ Hồ về đến Xamat, Tây Ninh. 1972, anh chuyển qua Dù để đi Cổ thành Quảng Trị. Rồi Bacbara, động ông Đô, Thạch Hãn, Khe Sanh. 75 anh về Thượng Đức. 1975, Ban Mê Thuộc lâm nguy, anh theo đơn vị, lui quân về Khánh Dương cứu bạn. Rồi anh về PhanRang, hậu cứ Tam Hiệp, ứng chiến giữ Saigon.
Anh về SaiGon. Tôi gặp anh trong dòng hỗn loạn của chiến tranh lan tràn, không nhiều tin vui, tôi không tin anh còn sống khi anh đã phải đi qua bao địa danh hủy diệt sự sống. Sài Gòn tháng Tư bối rối. Tôi tìm gặp anh ở trại Hoàng Hoa ứng chiến. Máy bay di tản rầm rộ. Người người tìm đường vượt thoát. Tôi bảo anh: Về đi anh, trong xóm, bạn anh bỏ đơn vị về rất đông, không ai bắt cả, quân cảnh cũng chạy rồi. Anh cười, buồn bã: “Em về đi, anh chưa lãnh lương, vài hôm nữa, lãnh lương rồi anh về, đưa tiền em mua gạo!” Anh lừa tôi anh không về. Đấy là lần cuối tôi gặp anh. Anh không về nữa để đưa tiền vợ anh mua gạo. Anh dối tôi, vì còn ai đâu để phát lương cho anh. Người ta chạy hết rồi. 30 tháng Tư. Anh đánh nhau ở bệnh viện Vì Dân, ngã tư Bảy hiền. Quân còn ít quá, anh lui xuống Lê văn Duyệt. Dương văn Minh đầu hàng. Chỉ huy anh bỏ đi. Chỉ còn anh và đám đồng đội binh nhì. Cộng sản tràn vào đông lắm. Tôi nghe vậy, chúng tràn vào Sài Gòn. Cậy đông giết anh! Ông Quyền trung tá, ông Em thiếu tá, tiểu đoàn trưởng nhảy dù, cả ông Tô Thành Trung úy đại đội trưởng không còn có mặt để cứu giúp anh tôi. Và chúng giết chồng tôi rồi. 13 giờ trưa 30 tháng Tư năm 75. Tôi còn nhớ mãi… Chồng tôi và những đồng đội của anh ấy chết đơn côi trong con hẻm Lê văn Duyệt giờ đã đổi tên!!!
Tôi đang ở nhà thuê, được tin dữ của chồng tôi từ vài người hàng xóm. Một bà lớn tuổi nói như đuổi tôi mau đi: “Đám nhảy dù ở bùng binh đánh nhau…hết hết rồi. Mày lên coi, chồng mày nó làm sao trên đó, giờ còn cơm canh gì nữa!” Tôi khuỵu đôi chân, ngồi bệt xuống nền. Trời ơi! Anh ơi, mới hôm qua đây. Sao anh không về theo em. Tôi tông cửa, băng ra hẻm như con thú bị dao đâm. Tôi chạy ngược lên Trương Minh Giản, xốc xếch, tả tơi, ngã xuống, đứng lên. Quẹo trái Thoại Ngọc Hầu, cua phải Lê Văn Duyệt.
Người ta đông. Bu kín con hẻm mới dọn xong. 2 giờ chiều. “Nó kéo xác mấy ông lính chở đi rồi”, chắc nhà xác? Trời ơi! Tôi ngã xuống đường nghe tin. Rồi những ai đó cũng xúm lại, giựt tóc, xốc nách,ôm mang tôi đi. Chồng tôi! Chết rồi! Xác cũng mất luôn rồi, Trời ơi!
Tối, người nào đó, đàn ông. Anh ta chở tôi về. Đến nhà, tôi lại khụy xuống, vật trên nền khóc ngất. Người đàn ông lại phải dìu tôi đứng lên. Tôi không còn biết gì ngoài đớn đau, hờn tủi và đơn côi. Tôi ôm chặt lấy ông ta mà cứ gọi chồng tôi. Tôi yếu đuối và sợ hãi như đứa con vừa mất mẹ. Ngủ lúc nào không biết. Người đàn ông sau đó cũng về rồi. Nghe kể lại anh ta về muộn lắm. Hai ba giờ khuya gì đó, vì sợ tôi có làm sao. Giờ tôi quên cả mặt, chẳng biết cả tên người ơn của tôi…
Rồi ngày tháng trôi qua… Niềm đau xót, nhớ thương chồng, thương ngày đó Sài Gòn.
Đơn côi, buồn tủi tưởng theo thời gian sẽ quên, nhưng khó quên…Hôm nay, tháng Tư giỗ anh 38 năm gần rồi. Thôi anh ạ, anh vẫn bảo Hạnh ấy mà “Nhảy dù thì cố gắng, vợ nhảy dù cũng phải cố gắng chứ!”. Vâng anh ạ! Em nghe anh, mãi mãi nghe lời anh. Hạnh của anh đang cố đây. Cố sống để thấy ngày người ta phải trả lại danh dự cho anh, đồng đội anh, chiến hữu và cả quân đội của anh đấy, anh ạ…(Nguyên Hạnh, Tháng Tư 2013…)
.................................................................................................................................................
Kính.

No comments:

Post a Comment